Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, mới đây, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Biên Hòa đã có văn bản báo cáo về tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng cầu Vàm Cái Sứt.
Hiện nay, dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt còn khoảng 70m phần đường dẫn đầu cầu mố M2 thuộc địa bàn phường Tam Phước (thuộc diện tích đất của 1 hộ dân) chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, với tiến độ bàn giao mặt bằng như trên, dự kiến đến tháng 9-2023 mới có thể hoàn thành toàn bộ dự án. Nguyên nhân là do diện tích mặt bằng chưa được bàn giao thuộc phần đường dẫn mố M2 cần đến 450 ngày thi công khoan cọc cát xử lý nền đất yếu, đắp đất gia tải để nền đường đạt độ lún cố kết.
Đối với phần đường dẫn mố M1 và phần cầu chính, dự kiến, việc thi công sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.
Cầu Vàm Cái Sứt đi vào hoạt động sẽ giảm tải cho QL51 và tạo kết nối vùng
Dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt được khởi công vào tháng 10 - 2020 và dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào tháng 3 - 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và việc chậm bàn giao mặt bằng đã khiến dự án bị chậm tiến độ, không thể hoàn thành đúng kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, cầu Vàm Cái Sứt là công trình trọng điểm của tỉnh chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Cầu Vàm Cái Sứt trên tuyến Hương lộ 2 được xây dựng sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông trong khu vực, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng cầu Vàm Cái Sứt cũng sẽ tạo điều kiện để xây dựng hoàn thành tuyến Hương lộ 2 trong thời gian tới.
Hương lộ 2 là tuyến đường kết nối trung tâm TP.Biên Hòa với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Do đó, các phương tiện giao thông có thể lưu thông theo tuyến đường này để đi từ Đồng Nai đến TP.HCM, rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông. Đồng thời, tuyến kết nối mới này cũng sẽ góp phần giảm tải lưu lượng phương tiên giao thông trên quốc lộ 51.
Cầu Vàm Cái Sứt - Thông tin & Tiến độ cập nhật 2022
Dự án cầu Vàm Cái Sứt là một trong những công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được triển khai thực hiện trên địa bàn TP.Biên Hòa. Cầu Vàm Cái Sứt là hạng mục quan trọng trong toàn bộ dự án Hương lộ 2 nhằm tạo lập thêm tuyến kết nối mới từ TP.Biên Hòa đi TP.HCM, góp phần giảm tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 51.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, dự án cầu Vàm Cái Sứt có tổng vốn đầu tư hơn 387 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 299 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 5,7 tỷ đồng. Dự án cầu Vàm Cái Sứt là một công trình trên tuyến hương lộ 2. Theo quy hoạch, cầu Vàm Cái Sứt là công trình kết nối hương lộ 2 đoạn 1 đang được thi công với hương lộ 2 để hình thành tuyến kết nối từ TP.Biên Hòa đến TP.HCM thông qua đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Dự án cầu Vàm Cái Sứt có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 649m, trong đó phần cầu dài hơn 450m, phần còn lại là hạng mục đường dẫn 2 đầu cầu. Cầu Vàm Cái Sứt có khổ rộng 23,6m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, chủ đầu tư dự án, đến nay dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt đã hoàn thành thi công mố M1 và các trụ cầu T1, T2, T3. Đồng thời, liên doanh đơn vị thi công cũng đã thực hiện lao lắp dầm các nhịp 1, 2, 3 cũng như thi công cọc khoan nhồi đối với các trụ T6, T7. Mặc dù vậy, tiến độ thi công dự án đang gặp khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng của dự án vẫn chưa hoàn thành toàn bộ.
Cụ thể, theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ngô Thế Ân, đối với công tác giải phóng mặt bằng của dự án, hiện vẫn còn 1 hộ dân ở phía thi công phần đường dẫn lên cầu trên địa bàn P.Tam Phước chưa hoàn tất việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Điều này sẽ khiến cho việc thi công phần đường dẫn bắt buộc phải kéo dài.
Cụ thể, phần đường dẫn đầu mố cầu M2 trên địa bàn P.Tam Phước với chiều dài khoảng 70m thuộc phần diện tích đất của một hộ dân vẫn chưa được bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Trong khi đó, theo phương án thi công ban đầu, đây là khu vực phải được bàn giao mặt bằng sớm nhất để thực hiện thi công đóng cọc cát, xử lý nền đất yếu, đắp đất gia tải để nền đường đạt độ lún cố kết mới hoàn thiện các lớp kết cấu mặt đường. “Thời gian chờ lún đối với hạng mục này là 450 ngày” - ông Ngô Thế Ân cho biết.
Chính vì vậy, với việc hiện nay phần diện tích này vẫn chưa được bàn giao mặt bằng sẽ khiến cho toàn bộ dự án cầu Vàm Cái Sứt phải kéo dài thêm 450 ngày. Bởi kể từ thời điểm được bàn giao mặt bằng, để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, việc thi công phần đường dẫn này vẫn phải cần thời gian chờ lún theo hồ sơ thiết kế là 450 ngày.
>>> Xem thêm: Tiến độ xây dựng Tuyến Metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên